DISC bí kíp giao tiếp trong làm việc nhóm
Trong khi làm việc ở dự án, có cơ số lần mình muốn nộp đơn xin nghỉ việc chỉ vì sếp nóng tính, quát mình ỏm tỏi? Số lần xung đột quan điểm với đồng đội phải gọi là không đếm được. Rồi mình còn rất ức chế đội tester suốt ngày nâng quan điểm vì mấy con “bug” sương sương.
Sau xx lần nhảy việc, mình vẫn rơi vào tình trạng đó. Tâm sự với thằng bạn, nó mới nói một câu thế này:”Nếu bạn xung đột với 1 người về 1 việc, thì có thể là vấn đề ở họ, nhưng nếu bạn xung đột với nhiều người với cùng một lí do, thì phải xem lại bản thân mình rồi.”
Thấm.
Mình thực sự rất suy nghĩ và nghiêm túc tìm cách tự cứu mình ra khỏi vũng lầy của “cái tôi” quá lớn. Nghiên cứu đi, nghiên cứu lại, rồi cuối cùng cũng tìm thấy được cái để soi mình. Bí kíp DISC thần thánh trong làm việc nhóm.
Một cách nôm na, DISC nó là 4 nhóm tính cách đặc trưng của con người trong xã hội. Có nơi thì nói là có một nhóm người thứ 5, đó là hài hòa của 4 nhóm tính cách kia. Mình thì chả tin lắm. Trên đời này làm gì có ai “ngon” vậy.
Sau đây mình sẽ cụ thể cho các bạn hiểu thế nào là DISC.
Mỗi con người chúng ta sẽ có một khuôn mẫu hành vi khác nhau và từ đó được hình thành hai thái cực về cách thức thể hiện ra ngoài, người ta gọi là Phong cách hành vi. Phong cách hành vi gồm bốn hướng và hai chiều đối lập nhau đó là:
- Chiều hướng hàng ngang: Thẳng thắn và Không thẳng thắn. Trong phong cách hành vi của con người, có người rất thích đối diện với khó khăn, thách thức, luôn thích sự rõ ràng và nhìn thẳng vào vấn đề, tuy nhiên có những người vì cả nể, vì muốn hài lòng người khác, xem mối quan hệ quan trọng hơn tính hiệu quả của công việc nên được xem là phong cách hành vi không thẳng thắn.
- Chiều hướng hàng dọc: Thận trọng và Cởi mở. Người thận trọng có xu hướng làm mọi việc với mức độ kiểm soát cao, mong muốn mọi vấn đề xảy ra trong chừng mực cho phép và xử lý mọi rủi ro xảy ra. Người cởi mở tập trung vào sự kết nối, con người và cảm xúc của họ.
Từ hai chiều hướng trên hình thành 04 nhóm tính cách gọi là Nhóm D (Dominance), Nhóm I ( Influence), Nhóm S (Steadiness) và Nhóm C (Compliance). Khi bạn nắm rõ được DISC bạn có thể ứng xử, giao tiếp với người khác theo cách mà họ mong muốn.
- Dominance (D) – “Thống trị”: những người thuộc nhóm này thường quyết đoán, mạnh mẽ, tự tin, nhanh nhẹn, năng nổ, tập trung, cạnh tranh, hướng đến kết quả, có phẩm chất làm sếpHọ là người nóng tính, như sếp mình (không tiện nêu tên :D), làm việc theo quy tắc và quy định, họ ít chia sẻ với những người xung quanh Người nhóm D thường có xu hướng tay úp hoặc chém tay, chỉ tay, tầm nhìn của mắt xa, nhìn thẳng hoặc hướng lên trên, họ là những người có dáng đi mạnh mẽ, dứt khoát và tập thể thao (chắc sếp mình thuộc số ít những người lười tập thể thao của nhóm này). Trong giao tiếp thì họ nói với cường độ nhanh vừa, ngắn gọn, nói lý do trước và không lan man.Đại diện cho họ chính là những chú chim đại bàng mạnh mẽ.
- Influence (I) – “Ảnh hưởng”: nhóm I bao gồm những cá nhân hòa đồng, thích xã giao, cởi mở, nhiệt tình, có khả năng thuyết phục.
Người nhóm I khi nói chuyện tay của họ thường có xu hướng mở, hướng ra ngoài, họ hay cười to và mắt cười. Họ nói nhanh, giọng nói ấm áp, biểu cảm, họ là người chú ý đến vẻ bề ngoài, thích màu mè. Những người này thường sẽ là những người có xu hướng làm về ngành thiết kế, có khiểu thẩm mỹ, khá tinh tế và nhạy bén.
Hiện thân của nhóm này là chú chim công màu mè sặc sỡ.
- Steadiness (S) – “Kiên định”: người thuộc kiểu S có tính cách ổn định, điềm tĩnh, hòa nhã, biết lắng nghe, tận tâm và thận trọng.
Kiểu tính cách kiên định có xu hướng ít quyết đoán hơn và biểu lộ cảm xúc nhiều hơn. Người nhóm S khi nói chuyện họ thường đan 2 tay vào nhau, nắm tay và rụt rè, cười nhỏ, họ nói chậm, ậm ừ, suy nghĩ trước khi nói. Cảm giác giống mấy chị tester 🙂
Con cú – the owl là hiện thân của nhóm người có xu hướng hành vi này.
- Compliance (C) – “Tuân thủ”: ở nhóm C là những người có trách nhiệm, rõ ràng, logic, có kỷ luật, chính xác và nghiêm túc.
Kiểu tính cách phân tích có xu hướng ít quyết đoán hơn và phản ứng ít hơn, ít biểu lộ cảm xúc hơn. Người nhóm C nói chậm rãi hơn nhưng họ suy nghĩ nhanh và sử dụng con số, có kế hoạch nhưng họ ít chia sẻ cá nhân, họ thận trọng và kỹ tính vì vậy khi nói chuyện với họ cần phải có dẫn chứng cụ thể và cho họ thời gian để họ suy nghĩ, lắng nghe họ nhiều hơn. Chắc đây là chân dung của dân lập trình.
Chú chim bồ câu là đại diện cho nhóm tính cách này.
Nói tóm lại là, mỗi người đều có một kiểu tính cách chính và đa số các hành vi của họ thường là kết quả từ sự kết hợp của ít nhất 2 kiểu tính cách nói trên. Có điều là cái nào nhiều, cái nào ít thôi. Trong đội nhóm sẽ luôn tồn tại 4 nhóm tính cách này, họ vừa phản biện nhau vừa bổ sung cho nhau để hoàn thiện đội nhóm. Tưởng tượng đi, nếu một ngày Developer mà thiếu tester thì hệ thống sẽ lạc trôi về đâu???
Vậy làm thế nào để giao tiếp hiệu quả với nhau, đây là gợi ý cho anh em
- Nếu giao tiếp với người có phong cách hành vi D cao (nôm na là nói chuyện với sếp) Hãy trình bày ngắn gọn và đi thẳng vào vấn đề. Sếp mà, sẽ luôn hướng tới kết quả công việc và tập trung vào tương lai. Khi giao tiếp với họ, tránh dài dòng vòng vo, thay vào đó đi thẳng vào nội dung công việc. Họ không muốn nghe những thứ linh tinh, vì vậy đừng làm mất thời gian. Cứ nói thẳng vào mục đích sẽ làm cho giao tiếp của bạn với họ hiệu quả hơn rất nhiều, ít nhất là đỡ bị nghe “chửi”.
- Nếu bạn giao tiếp với người có phong cách hành vi I cao. Bạn có thể tỏ ra thân thiện hơn. Hãy tích cực và cởi mở khi giao tiếp với nhóm người này. Người tính cách I luôn trả lời đầu đủ thông tin khi bạn hỏi họ, và hãy nhớ nhắc tên của họ nhiều lần, hỏi về họ thật nhiều khi nói chuyện với họ. Họ sẽ dốc hết bầu tâm sự và nói hết mọi thứ về họ cho bạn nghe.
- Nếu bạn giao tiếp với người có phong cách hành vi S cao. Cứ từ tốn và đừng vội vàng khi nói chuyện với họ. Nếu bạn hứa với họ điều gì, hãy chắc chắn rằng bạn sẽ để ý đến lời hứa và làm đúng những gì bạn cần phải làm. Hãy thể hiện mối quan tâm tới con người và nhớ để ý tới những điều thậm chí là rất nhỏ khi nói chuyện với người S bởi vì điều này chứng tỏ với họ rằng bạn đang lắng nghe và tôn trọng suy nghĩ cũng như nhu cầu của họ. Đấy, hứa với tester là fix bug, thì phải fix. Chứ đừng hứa thật nhiều, thất hứa thì cũng thật nhiều.
- Nếu bạn nói chuyện với người có phong cách hành vi C cao. Hãy trình bày thật chi tiết và giao tiếp một cách trang trọng. Hãy để họ cảm thấy thật thoải mái và giải thích tại sao mọi thứ lại rất quan trọng. Nhóm người C có xu hướng đối chiếu lại những gì hoạt động hiệu quả trong quá khứ để khẳng định cho hành động của họ trong tương lai. Vì vậy, bạn hãy luôn sẵn sàng chia sẻ những kiểu thông tin loại như thế nào với họ. Không giống như nhóm người D chỉ muốn biết ngay cái gì đang và sắp xảy ra, nhóm người C luôn muốn nhìn thấy những con số cụ thể để minh chứng điều gì đó thực sự hiệu quả trong quá khứ để hệ thống hóa những quyết định của họ trong những bước tiếp theo.
Và cuối cùng, dù là giao tiếp với ai, với nhóm hành vi nào trong đội nhóm, hãy chú ý tới tính cá nhân hóa trong giao tiếp. Hãy quan tâm chân thành và đặt mình vào vị trí của người mà mình nói chuyện để lắng nghe và thấu hiểu, bạn sẽ nhận lại được phản ứng tích cực từ người đó.
Hi vọng sau phần chia sẻ của mình, các bạn sẽ giao tiếp hiệu quả hơn với đội nhóm của mình!
Nguồn: https://codelearn.io/sharing/disc-bi-kip-giao-tiep-trong-lam-viec-nhom
Leave a Reply